Đầu bếp của những chú bò “quê lúa” Thái Bình
Đầu quân về Hòa Phát từ 2008, anh Phạm Đức Bình (44 tuổi, Hải Dương) từng tốt nghiệp trường nghề của Tổng Công ty công trình Giao thông 1. Nay anh là tổ trưởng tổ chế biến thức ăn của trại bò Thái Bình. Đến với Hòa Phát như một cái duyên và tình yêu công việc, anh hiểu rõ rằng “Làm nông chưa bao giờ là một "cuộc chơi" hay một công việc dễ dàng” bởi Hòa Phát luôn ưu tiên chất lượng sản phẩm lên hàng đầu.
Cú “rẽ” không ngờ tới
14 năm gắn bó với Hòa Phát, anh Bình đến với Tập đoàn như một cái duyên. 30 tuổi, anh Bình lấy vợ và nghỉ việc tại Công ty cũ. Thời gian đó, anh ở nhà chăm sóc gia đình và tìm kiếm công việc mới. Anh Bình biết tới Hòa Phát qua công việc của một người bạn thân- là lái xe chuyên chở khoáng sản.
“Bạn tôi kể, Hòa Phát hay lắm, chế độ đãi ngộ tốt, lãnh đạo luôn quan tâm đến đời sống nhân viên và là ngôi nhà thứ hai của mình đấy! Và thế là, vài tháng sau đó, tôi đầu quân vào Tập đoàn. Đến nay, Hòa Phát cũng là ngôi nhà thứ hai của tôi rồi!”, anh Bình nói.
Ngược dòng thời gian trước khi anh gia nhập Công ty Thương mại Hòa Phát, anh Bình phụ trách vận hành, quản lý và điều hành đội máy của mỏ khoáng sản.
“Tôi nhớ nhất ngày đầu tiên vào Hòa Phát. Khi ấy, tôi được giao nhiệm vụ áp tải hai con máy lên mỏ ở Văn Bàn, Lào Cai. Tôi và đồng nghiệp đều run và lo sợ vì không biết điểm đến chính xác ở đâu, sắp xếp công việc như thế nào. Thời ấy, làm gì đã có google map hay định vị như bây giờ!”, anh Bình hồi tưởng.
Hơn 7 năm phụ trách quản lý máy móc đội mỏ, anh Bình chuyển công việc sang Công ty thương mại.
“Công ty lúc đó mới thành lập về mảng máy, hiếm người hiểu cũng như biết vận hành máy. Vì vậy sếp Hoàn đã gọi tôi về đầu quân. Thực sự khi đó tôi cũng chưa am hiểu sâu về máy nông nghiệp vì toàn công nghệ mới, từ gieo hạt, bón phân, làm cỏ... Tất cả mọi khâu sẽ ứng dụng toàn bộ bằng máy móc. Sau hơn một tháng tôi mới nắm rõ được quy trình hoạt động của chúng để vận hành thuần thục”, anh Bình kể lại.
Sau 7 năm làm nông nghiệp, anh Bình đã là tổ trưởng tổ chế biến thức ăn của trại bò Thái Bình, chuyên quản lý và điều phối tất cả máy móc cũng như bố trí những công việc trong ngày cho mọi người trong tổ. “Giờ ngẫm lại, tôi đến với nông nghiệp như một cú rẽ không ngờ tới, làm nông chưa bao giờ là một "cuộc chơi" hay một công việc dễ dàng nhưng chỉ cần cố gắng thì lại yêu nông nghiệp vô cùng”, anh bộc bạch.
Thức ăn cho bò cần phải đúng chuẩn
Chia sẻ với HPG News, anh Bình cho hay, đặc thù khi làm nông nghiệp là phải tận dụng được tối đa thời tiết để mình trồng đúng thời điểm và đúng mùa vụ. Có như thế mới đạt được năng suất cao nhất. Tại trại Thái Bình, cánh đồng lúa và cỏ 65 ha nằm độc lập ở một khu nên rất dễ trông coi và quản lý. Đây là một phần diện tích trồng trọt ngô và cỏ, giúp cho Công ty chủ động nguồn thức ăn thô xanh cho bò.
Bắt nhịp với công việc mảng nông nghiệp, anh Bình không hay biết là mình đã mê công việc từ lúc nào. Anh quan niệm “khi bạn yêu thích công việc của mình, ngày nào cũng là ngày lễ”. Vậy nên, khi làm việc tại tổ chế biến anh cảm thấy rất thuận lợi. Anh vận hành thành thạo tất cả các dây chuyền máy móc và truyền lại kinh nghiệm, kỹ năng cho anh em trong tổ. Hiện, công việc chính của anh là quản lý trung tất cả các thiết bị máy móc, nguyên liệu trộn và nhân sự trong tổ chế biến.
Để hoàn thành tốt công việc của tổ trưởng tổ chế biến, anh Bình cho rằng, ngoài yếu tố máy móc hỗ trợ thì đức tính cẩn thận, tỉ mỉ vì khi chế biến chỉ cần một sai sót nhỏ là ảnh hưởng đến cả đàn bò. Theo anh, kiến thức chủ yếu khi quản lý tổ chế biến đó là phải hiểu về máy móc và tính cách của từng nhân viên trong tổ để có cách bố trí công việc hiệu quản nhất.
Nói về nguồn thức ăn trong chăn nuôi với đàn bò, anh Bình phân tích, việc chế biến thức ăn đóng vai trò qua trọng nhất đối với hình thức nuôi bò vỗ béo như trại bò Hòa Phát. Khi làm chỉ cần không chuẩn xác ở một khâu nào đó sẽ dẫn đến đàn bò không lớn và có khi bị chết.
Theo đó, từ khi chế biến thành phẩm đến khi thức ăn đến miệng bò mất khá nhiều công đoạn. Đầu tiên, phải kiểm soát được tất cả các nguyên liệu từ độ ẩm đến chất lượng. Sau đó, lên công thức và tiêu chuẩn ăn trong ngày và đưa ra phối trộn. Nguyên liệu khi phối trộn không được lẫn tạp chất và phải tuân thủ đúng đủ theo công thức đã tính toán để tránh những rủi ro bệnh tật cho đàn bò.
“ Để chế biến thức ăn cho đàn bò tốt nhất, chúng tôi luôn kiểm soát chặt chẽ về mặt nguyên liệu từ thô xanh đến các loại tinh bột, nếu không đạt yêu cầu sẽ không nhập”, anh Bình khẳng định.